Bảo hiểm công chứng: Tránh tốn tiền mua mà dân không được bồi thường

Mua bảo hiểm cho công chứng viên là đề phòng khi xảy ra sự kiện, công ty bảo hiểm cùng đồng hành bồi thường thiệt hại cho khách hàng, nhưng thực tế rất khó được đáp ứng.

1. Bảo hiểm công chứng là gì?

Hôm cuối tháng 10, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật công chứng (sửa đổi). Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến điều 36a dự thảo quy định: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm này.

Góp ý cho quy định này, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho rằng việc này giúp đảm bảo quyền lợi cho người yêu cầu công chứng, và giảm thiểu rủi ro cho tổ chức hành nghề công chứng. Dự thảo đã yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng phải thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày.

Ngoài ra, đại biểu Phước Bình cho rằng cần bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không thực hiện nghĩa vụ thông báo đúng thời hạn. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng trong việc duy trì bảo hiểm cho công chứng viên.

Bảo hiểm công chứng: Tránh tốn tiền mua mà dân không được bồi thường- Ảnh 1.

Người dân thực hiện thủ tục công chứng tại TP.HCM

Về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, tại khoản 1 điều 37 dự thảo quy định: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của mình gây ra trong quá trình công chứng”. Theo đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, quy định này không phù hợp với luật Doanh nghiệp.

Vì theo đại biểu Phước, văn phòng công chứng là tổ chức do ít nhất 2 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung và đảm bảo chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của văn phòng công chứng.

Khác với các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần thì các thành viên của công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần góp vốn của mình. Tuy nhiên, đối với công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty.

Hơn nữa, về bản chất các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm trực tiếp về nghĩa vụ của công ty, tài sản của công ty cũng thuộc thẩm quyền quyết định của các thành viên hợp danh. Do đó, đối với công ty hợp danh, thì việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của các thành viên hợp danh là hợp lý và công ty chỉ làm nhiệm vụ đại diện để bồi thường.

2. Rất khó để bảo hiểm bồi thường cho khách hàng

Cuối tháng 8 vừa qua, tại tọa đàm về một số vấn đề hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 29 năm 2015 của Chính phủ và định hướng xây dựng nghị định thay thế, do Bộ Tư pháp tổ chức, có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Theo ông Lê Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, để tránh việc bên bán bảo hiểm đưa ra điều khoản tạo lợi thế, hoặc thiếu tính khả thi trong việc chi trả tiền bồi thường, nên khi sửa luật Công chứng cần giao cho Chính phủ quy định “mẫu hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên” và “mẫu quy tắc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên”.

Theo quy định hiện nay, mức phí mua bảo hiểm từ 3 triệu – 30 triệu đồng/năm (tương đương mức bồi thường từ 500 triệu – 3 tỉ đồng/năm), trong khi cả nước có tới hơn 3.370 công chứng viên. Có phòng công chứng đã bỏ ra đến hàng trăm triệu đồng để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Mục đích mua bảo hiểm để phòng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, thì công chứng viên sẽ được bên bảo hiểm cùng đồng hành để việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng được nhanh chóng.

“Thế nhưng thực tế hầu như chưa có trường hợp nào bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại. Việc này ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi đến với công chứng để trao gửi những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn”, ông Tình nêu.

Đối với trường hợp công chứng viên đã tuân thủ đúng thủ tục công chứng và quy định pháp luật khi công chứng, nhưng sau đó phát hiện giả mạo chủ thể, giấy tờ giả dẫn đến kiện tụng, tranh chấp. Văn bản công chứng sau đó bị tòa án tuyên vô hiệu, người bị thiệt hại kiện công chứng viên đòi bồi thường. Lúc này, các công ty bảo hiểm cho rằng công chứng viên đã vi phạm pháp luật, nên không bồi thường trong trường hợp này.

Ngoài ra, các mẫu hợp đồng bảo hiểm thường quy định rất khó có khả năng thực hiện. Chẳng hạn như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phải nhận biết một tình huống có khả năng dẫn đến khiếu nại yêu cầu bồi thường và thông báo ngay cho bảo hiểm thì mới được bồi thường…

Nguồn: Báo thanh niên

Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ công chứng, dịch thuật, sao y chứng thực, quý khách có thể liên hệ với Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Hoàn để được hỗ trợ.