Theo Chương trình làm việc, tại Đợt 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, không quy định về thời hạn được phép tham gia hoặc thành lập Văn phòng công chứng đối với công chứng viên của Phòng công chứng nhằm đảm bảo công bằng và ổn định trong hoạt động công chứng.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 05 điều; bổ sung 01 điều 36a). Tại dự thảo Luật lần này có bổ sung quy định: Trong trường hợp lựa chọn Phương án 2 của Điều 20 thì khoản 6, Điều 17 được thể hiện như sau: “6. Công chứng viên của Phòng công chứng chỉ được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc làm thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng khác sau thời hạn ít nhất 02 năm kể từ ngày không còn là công chứng viên của Phòng công chứng, trừ trường hợp là công chứng viên của Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng giải thể hoặc công chứng viên nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.”.
Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, Điều 29 quy định việc công chứng viên Văn phòng công chứng không được thành lập hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng trong thời hạn 2 năm sau khi chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp danh tại một Văn phòng công chứng là phù hợp. Tuy nhiên, việc áp quy định này với công chứng viên của Phòng công chứng như quy định tại khoản 6, Điều 17 cần xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo đại biểu, các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng là chủ doanh nghiệp, doanh thu sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế được toàn quyền định đoạt, khi chuyển nhượng phần vốn hoặc bán Văn phòng công chứng, nên cần có quy định này để hạn chế tình trạng liên tục đầu tư thành lập mới và chuyển nhượng nhằm thu lời như thời gian vừa qua.
Trong khi đó, đối với công chứng viên của Phòng công chứng là viên chức nhà nước, hưởng lương và thu nhập theo đúng quy định. Nguồn thu của các Phòng công chứng sử dụng chi cho nhân lực chỉ chiếm từ 15 – 20%, khi ra khỏi khu vực công cũng chỉ được hưởng các chế độ theo quy định và không được hưởng khoản lợi nhuận nào khác như các công chứng viên của Văn phòng công chứng chuyển nhượng phần vốn hoặc bán Văn phòng công chứng. “Các công chứng viên của Phòng công chứng cần được đảm bảo quyền được thành lập hoặc tham gia hợp danh mà không giới hạn thời gian 2 năm. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, xem xét để đảm bảo công bằng chung và ổn định trong hoạt động công chứng…”, đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này và chưa được lấy ý kiến góp ý cũng như đánh giá tác động theo quy định pháp luật.
Chưa thực sự đồng tình với quy định tại dự thảo, đại biểu cho rằng, việc quy định giới hạn thời gian 2 năm là chưa phù hợp và không đảm bảo tính tương quan với việc công chứng viên ở Phòng công chứng được gọi là viên chức; thực hiện từ tuyển dụng, quản lý theo quy định của Luật Viên chức. Mặt khác, công chứng viên của Phòng công chứng không phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về nghĩa vụ của Phòng công chứng như thành viên hợp danh hay chủ doanh nghiệp tư nhân của Văn phòng công chứng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thông thường công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng là công chứng viên có thâm niên công tác và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, việc không cho phép đối tượng này thành lập Văn phòng công chứng trong vòng 2 năm kể từ ngày không còn là công chứng viên của Phòng công chứng là chưa có cơ sở, chưa khách quan. “Trường hợp công chứng viên được cho thôi việc theo đúng quy định pháp luật dẫn đến trường hợp này sẽ thiệt thòi, khi họ thực hiện đúng pháp luật lại bị hạn chế quyền và không bình đẳng với những công chứng viên mới được bổ nhiệm như quy định tại khoản 2 Điều 20 của dự thảo Luật, vô tình cũng đã bỏ phí một lực lượng công chứng viên…”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm lưu ý.
Đồng tình với các quan điểm nêu trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, quy định như tại dự thảo sẽ hạn chế quyền hành nghề cũng như hình thức hành nghề đối với công chứng viên của Phòng công chứng trong thời hạn 2 năm nếu công chứng viên thuộc trường hợp được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc theo nguyện vọng.
Cũng theo đại biểu, định hướng phát triển nghề công chứng của Chính phủ là tiếp tục đổi mới các Phòng công chứng, đảm bảo tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực chủ động, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước. Để thực hiện chính sách trên, ngoài việc củng cố, kiện toàn các Phòng công chứng theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt còn phải chú trọng phát triển đội ngũ công chứng viên, đẩy mạnh việc cải cách tiền lương, bổ sung thu nhập tăng thêm và các chế độ ưu đãi khác, đảm bảo cuộc sống, khuyến khích công chứng viên yên tâm công tác, làm việc ổn định, lâu dài tại các Phòng công chứng.
Hơn nữa, trong thực tế, công chứng viên của Phòng công chứng đa số là những người có nhiều năm làm việc, cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của nghề công chứng nói chung và ngành tư pháp nói riêng. Ngoài thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện trong lĩnh vực công chứng, công chứng viên đồng thời là viên chức có trách nhiệm phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. Do đó, lẽ thông thường cần nghiên cứu, xem xét, quy định theo hướng ưu tiên hơn là định hướng hạn chế quyền cũng như hình thức hành nghề của công chứng viên Phòng công chứng.
Với những lập luận nêu trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định tại khoản 6, Điều 17; trong trường hợp vẫn giữ lại quy định này, cần đánh giá tác động cụ thể đối với một số đối tượng. Theo đó, cần đánh giá tác động đối với đội ngũ công chứng viên của Phòng công chứng khi luật được thông qua, đây có thể là yếu tố tác động dẫn đến công chứng viên xin thôi việc theo nguyện vọng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành để không bị điều chỉnh bởi nội dung trên. Đồng thời, đánh giá các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước của một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn.
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị, trường hợp nếu Quốc hội lựa chọn phương án 2 ở Điều 20, kiến nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 6, Điều 17. “ Quy định này gây ra sự bất bình đẳng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của công chứng viên của Phòng công chứng; không tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của công chứng viên,…”, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu thực tế có những trường hợp vì lý do cá nhân theo gia đình chuyển nơi cư trú đến các địa phương khác nên công chứng viên chấm dứt hợp đồng lao động với Phòng công chứng, nhưng lại bị hạn chế quyền được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc làm thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng khác trong vòng 2 năm kể từ ngày không còn là công chứng viên của Phòng Công chứng là chưa thỏa đáng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị, nội dung này cần giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quy định cụ thể, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế./.
Nguồn: Báo mới
Để được tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ công chứng, dịch thuật, sao y chứng thực, quý khách có thể liên hệ với Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Hoàn để được hỗ trợ.